Cô giáo Ngô Phương Thúy - Cô giáo nhỏ cần mẫn, kiên trì và luôn ấm áp

14/03/2024
Tôi đã từng đọc được ở đâu đó một câu thế này: “Kim cương ẩn sâu trong lòng đất, bọc trong sỏi đá, bùn lầy,… nhưng kim cương vẫn tỏa sáng rực rỡ dù nằm trang trọng trên kệ bày chiếu đèn lấp lánh hay im lìm dưới lớp đất đá rêu phong. Kim cương vẫn là kim cương! Và sự tử tế cũng luôn tồn tại hiển nhiên như vậy”. Điều ấy, làm tôi nhớ đến người cô - người đồng nghiệp nhỏ bé của tôi: Cô giáo Ngô Phương Thúy – Giáo viên trường THCS Nguyễn Công Trứ.

 

Ảnh: Cô giáo Ngô Phương Thúy

Cô Thúy sinh ra trong một gia đình công nhân lao động tự do. Bố của cô là một thợ cơ khí lành nghề, mẹ của cô là một người buôn bán nhỏ lẻ; tuy công việc lao động khá vất vả nhưng hai ông bà luôn cố gắng để nuôi dạy ba chị em cô Thúy nên người và đạt được những thành tựu nhất định trong cuộc sống. Có lẽ chính từ những sự hi sinh, vất vả của bố mẹ đã truyền cho cô Thúy tình yêu gia đình, con người, nuôi dưỡng cho cô Thúy tình yêu với sách-những câu chuyện, giá trị nhân văn. Ước mơ trở thành cô giáo dạy Văn đã thôi thúc cô thi vào trường sư phạm. Từ năm 2009, sau khi vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (nay là Đại học Thủ đô) với chuyên môn Văn – Địa, cô bắt đầu công việc giáo viên tại trường THCS Nguyễn Công trứ-ngôi trường đến hiện nay cô vẫn đang gắn bó. Tên của cô là Ngô Phương Thuý, nhưng từ bao giờ mọi người đã quên đi họ Ngô ấy và réo rắt gọi cô là “Hoa hậu” hay “Mai Phương Thuý”; và với học sinh, trong chúng có lẽ cô như một người hùng với cách gọi đầy hài hước “Đại ka”.

Là một giáo viên dạy Văn - Địa tại trường Nguyễn Công Trứ đến nay đã hơn 10 năm có lẻ. Có lẽ ai đã từng gắn bó và yêu ngôi trường này cũng sẽ dễ dàng nhận thấy những nỗ lực mỗi ngày của cô để gửi gắm từng chút tâm huyết trong mỗi việc mình làm. Nó nhỏ bé, giản dị mà thấm dần… như con người của cô vậy!

Với tôi, những thông tin đầu tiên mà tôi biết về cô là nhiệm vụ chuyên môn dạy hai bộ môn Văn – Địa, cô là một trong những giáo viên có số tiết dạy nhiều nhất trường. Nhiều tiết là vậy, nhưng thật hiếm khi tôi thấy cô - một cô giáo với thân hình bé nhỏ, tỏ ra mệt mỏi hay than vãn về công việc. Còn nhớ khi mới vào trường, tôi - một giáo viên còn thiếu kinh nghiệm, với mong muốn học hỏi các cô chú, anh cô đồng nghiệp nhưng lại ngại ngần xin dự giờ thì cô đã chủ động giúp đỡ, chỉ bảo tôi những mẹo vặt để “đối phó” với những học trò tinh nghịch, chưa chăm học; chỉ cho tôi những nguồn tư liệu dạy học, phương pháp giảng dạy hiệu quả theo kinh nghiệm của bản thân; chỉ cho tôi vượt qua những khó khăn, chia sẻ buồn vui cùng tôi những khi nản lòng;… Với tôi, cô là một “Người tốt”.

Cô Thúy không chỉ là người đồng nghiệp đáng mến của riêng tôi

Với đồng nghiệp, cô luôn cởi mở, chân thành, kính trên nhường dưới. Mỗi khi trường có các kì cuộc, dù lớn hay nhỏ, dù là lúc độc thân nhàn rỗi hay lúc có gia đình bận rộn, cô luôn có mặt đồng hành cùng mọi người. Nhớ những ngày trường xây dựng, thanh niên phải di chuyển đồ đạc, bàn ghế; nhớ những ngày trường tổ chức các chương trình lớn nhỏ, chuẩn bị tới muộn, hoàn thiện tờ mờ sớm; nhớ những tiết chuyên đề, thi giáo viên giỏi phải chuẩn bị đồ dùng, đạo cụ, bài giảng, hồ sơ,… rải rác cả tháng trời;… ở đâu cần phụ giúp một tay, ở đó có cô tham gia. Không ngại việc khó, không ngại bản thân vất vả; thời gian và công sức đóng góp của cô được nhiều cô chú, anh cô tôi đồng nghiệp trân trọng, yêu quý. Đâu đó, mọi người sẽ luôn bắt gặp những nụ cười khi cô trò chuyện cùng các cô, chú, anh cô; kể cả các cô/ chú lao công, bảo vệ cũng luôn nói về một “Thuý hoà đồng, Thuý vui tính, Thuý sẻ chia”. Đồng nghiệp ghi nhận cô là “Người tốt”.

Cô Thúy hết mình hỗ trợ đồng nghiệp trong các chuyên đề, dự thi

Cô Thúy – người luôn cởi mở, nhiệt tình với tất cả mọi người

Với học sinh, cô luôn gần gũi, chia sẻ không chỉ là tri thức, mà còn cả tâm tư, tình cảm. Còn nhớ tiết học “Thầy bói xem voi” cô hội giảng môn Ngữ văn 6, tiết mục kịch do học sinh đóng đã đtôi lại nhiều tiếng cười cho cả học sinh lẫn các giáo viên dự; nhưng sau cùng, cô đã tạo cho lớp một khoảng lắng - về bài học trong cuộc sống “Những thứ ta biết, ta nhìn, ta nghe, ta cảm nhận,… có đôi khi chưa thực sự là bản chất khách quan của sự việc. Không được để những ý kiến chủ quan của bản thân làm ta suy nghĩ sai hướng, đặt ra những định kiến mà đánh giá sai lầm, gây ra những hậu quả nghiêm trọng…”. Lúc đó, trong đầu tôi chợt loé lên ý nghĩ “Oa! Một người hàng ngày vui tính, hay trêu đùa mọi người như cô Thuý cũng có những câu nói triết lí, ý nghĩa sâu sắc đến vậy!”.

Cũng là hội giảng môn Văn, nhưng ở một tiết học chủ đề khác “Xem người ta kìa” – đó là một tiết dự giờ online trong thời gian bùng nổ dịch Covid, nghe thôi cũng đã thấy đó hẳn là một công việc không hề đơn giản vì tôi hiểu dạy trực tuyến khó tương tác đến thế nào. Ấy vậy, tiết học diễn ra vô cùng sôi nổi với nhiều hoạt động hấp dẫn, sự dẫn dắt của cô đã giúp học sinh bắt kịp tiến trình bài, nhịp nhàng trong từng yêu cầu, hoạt động của bài học. Những trang nộp bài tập Padlet, những trò chơi Quizizz, những video tự thiết kế bằng Canva,… mọi chi tiết nhỏ trong bài giảng của cô đều khiến học sinh hào hứng, hiểu bài, thực sự yêu thích môn học dù là tiếp cận trực tuyến. Tôi còn nhớ câu về lời bình giảng trong bài học đó của cô: Khi thốt lên “Xem người ta kìa!”, người mẹ không hề có ý so sánh tốt xấu, hay dở con mình với “con nhà người ta” mà tận sâu trong thâm tâm, người muốn con hiểu “làm sao để bằng người, không thua tôi kém cô, không làm xấu mặt gia đình, dòng tộc, không để ai phải phàn nàn, kêu ca điều gì”, vừa là nhắc nhở, răn đe, vừa là khích lệ, tạo động lực cho con vượt qua giới hạn của bản thân… những lời của cô thật sự xúc động, thuyết phục và khơi gợi sự thấu cảm mà nhiều khi ta không để ý tới về những “càm ràm” của mẹ. Đã có những giọt nước mắt trong phần thông điệp bài học; đã có những chia sẻ, những lời nhắn chưa dám thổ lộ gửi trên trang Padlet dành cho mẹ… Những bài giảng, những lời khuyên, những lí lẽ chân thành, giản dị mà như thủ thỉ tâm tình ấy chính là những “Việc tốt”.

Cô Thúy cùng khóa học sinh thời “chống dịch”

Không chỉ là những tiết học Văn, những tiết học Địa lý của cô Thuý cũng không kém phần hấp dẫn, học sinh được khởi động những câu đố vui, hoạt động vẽ, múa hát, diễn kịch,… hoá ra không có tiết học nào “chính” hay “phụ”, với các tiết học của cô Thuý – đó là các tiết học “vui – bổ ích”. Trong mọi lớp học đều thiếu sự đồng đều về mức độ nhận thức; có bạn giỏi, bạn kém là điều không thể tránh khỏi, nhưng cô Thuý lại luôn quan tâm chăm chút từng đối tượng học sinh. Nếu các bạn đã khá, cô thường giao thêm các bài, các đề để mở rộng hành trang kiến thức, vốn hiểu biết; giao các dự án để học sinh có thể trình bày quan điểm cá nhân. Nếu các bạn còn yếu, cô Thuý sẽ hướng dẫn tận tình hơn, thậm chí là “cầm tay, chỉ việc” để giúp các bạn nhỏ đó có thể quen dần cách học, quen dần dạng bài, cấu trúc cần trình bày và củng cố dần kiến thức cho bản thân,… Cô luôn nỗ lực phấn đấu trong công việc của mình và đạt được nhiều thành tích như nhiều năm đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, năm học 2012-2013 đạt Sáng kiến kinh nghiệm loại C của Sở giáo dục và đào tạo Hà Nội, năm học 2014-2015 đạt giải Nhì giáo viên dạy giỏi môn Địa lý của Quận Ba Đình, năm học 2021-2022 đạt giải Khuyến khích cuộc thi tìm hiểu về phòng, chống dịch covid 19 “Đoàn kết-Chiến thắng đại dịch” của Quận ủy Ba Đình phát động,…Việc tốt” này như một lời khẳng định về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và về sự nghiêm túc trong công việc. Có lẽ, cô dạy học bằng tất cả lương tâm, tình yêu và trách nhiệm của mình.

Những kỉ niệm đẹp được lưu giữ của cô Thúy và học trò

Mỗi lứa học sinh trong chặng đường dạy học của cô, tôi ấn tượng tuy rằng “Team cô Thuý” có thể chưa giỏi xuất sắc, nhưng chắc chắn là ngoan, lễ phép. Còn gì vui hơn mỗi dịp lễ, học trò về thăm và tặng những món quà dù bình dị, nhưng chất chứa tấm lòng, sự kính trọng, sự biết ơn và kính yêu của tụi nhỏ; nếu đo đếm quà tặng bằng những tình cảm chân thành thì chắc chắn cô Thuý thuộc top những giáo viên trường đã nhận được nhiều quà tặng nhất.

“Đại ka” Thúy là số 1 vui tính cùng các tiết học thú vị

Cô Thúy và các “ngoan-xinh-yêu” của cô

Quà ăn sáng vì những tiết học sớm vội vàng.

Quà thuốc vì bệnh xoang “hành” cô những ngày trở trời.

Quà tặng, hoa vì những gì cô đã dành học sinh.

Quà tinh thần – những nụ cười vì ở bên cô Thuý chắc chắn niềm vui ngập tràn.

Chắc chắn, tụi nhỏ ghi nhận cô là “Người tốt, việc tốt”.

Những món quà được cô Thúy nhận định là “vô giá”

Với phụ huynh, cô luôn chân thành, lắng nghe – thấu hiểu – sẻ chia. “Tôn sư trọng đạo” là một việc làm mà bất kể ai cũng cần phải làm; những dịp lễ, phụ huynh thường gửi tặng cô Thuý những món quà, có khi chỉ đơn giản là những túi hoa quả, bánh kẹo, có khi những chiếc khăn, bó hoa,… nhưng món quà nào cũng được cô Thuý trân trọng. Những món quà hiện vật được cô Thuý nâng niu, gói ghém cẩn thận vào một góc nhỏ bí mật trong tim, biểu hiện chính là tôi vẫn thấy ở nhà cô Thúy trưng bày những món quà ấy từ năm này qua năm khác và số lượng những món quà ý nghĩa ấy ngày một tăng lên. Phụ huynh ghi nhận cô là “Người tốt, việc tốt.

Niềm tin luôn đặt ở Team cô Thúy

Với những hoàn cảnh khó khăn, cô không chỉ giúp đỡ những trẻ miền núi thiếu manh áo ấm, thiếu suất cơm no, những người già neo đơn, những bạn trẻ hoạn nạn khi gặp nghịch cảnh, những nhóm thiện nguyện kêu gọi hỗ trợ,… bằng sức lực, tài sản của bản thân mà cô còn kết nối tạo nhóm từ thiện để chung tay góp sức, lan tỏa sự tử tế cho xã hội. Những việc tốt ấy chắc chỉ có một vài người tham gia nhóm biết đến, chỉ có những trường hợp được giúp đỡ biết đến,…cũng có thể là không. Bản thân tôi đã được nghe kể không chỉ từ đồng nghiệp mà còn từ chính những học sinh của cô Thúy về những việc cô Thúy đã làm. Lớp cô chủ nhiệm thường là lớp khó khăn nhưng với cô “trẻ nào cũng cần được quan tâm, hỗ trợ để phát triển tốt nhất (trong khả năng của mình). Chính vì vậy, khóa nào được cô Thúy dạy đều có nhiều trường hợp các em học sinh được cô miễn giảm học phí cả quãng thời gian học tập.

Cô Thúy – người “ít lương tháng, giàu lương tâm”

Tôi cũng chẳng nhớ cái nhóm THIỆN TỪ TÂM/ THIỆN NGUYỆN mà cô đã “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” lập ra, tôi còn chẳng nhớ rõ cái nhóm được bao lâu vì mọi người tham gia ban đầu vì muốn được đóng góp cho xã hội, vì những câu chuyện cảm động mà cô Thúy muốn chia sẻ, những hoàn cảnh cần được giúp đỡ mà cô Thúy đã tìm hiểu kĩ,… thế mà cũng đã được 6-7 năm. Mỗi trường hợp, mỗi câu chuyện đều được kiểm chứng rõ ràng trước khi cô kêu gọi mọi người tham gia giúp đỡ: từ những cụ già neo đơn, vất vả mưu sinh, không chỗ nương tựa; tới những bạn trẻ gặp bệnh hiểm nghèo, tại nạn chịu di chứng nặng nề còn cả tương lai phía trước; tới những em bé còn chưa dời sữa mẹ, những em bé với ánh mắt trong suốt, hồn nhiên không biết mình đang bị mắc các căn bệnh quái ác;… đều khiến cho chúng tôi đồng cảm, nếu không có cô Thúy – chắc có lẽ tôi cũng sẽ chẳng biết đến họ. Nhiều việc tốt là vậy nhưng sẽ chẳng có mấy người biết đến vì cô Thúy “khoe” lên các trang mạng xã hội để làm minh chứng, chỉ có chúng tôi – những thành viên nhóm mới nhận được những “sao kê” cho các công việc này. Những hành động, việc làm ấy, chắc chắn cô là “Người tốt, việc tốt”.
Ở bên cô, mọi người được yêu thương, quan tâm chăm sóc không kèm theo điều kiện nào cả! Sự thầm lặng này bền bỉ và đáng khâm phục như nỗ lực của cô trong hơn một thập kỷ vừa qua, và vẫn đang, sẽ còn được duy trì, tiếp nối bởi những học sinh, những phụ huynh và cả những đồng nghiệp đã từng được cô giúp đỡ. Chút chút thay đổi nhỏ nhoi mỗi ngày góp thêm cho cuộc sống, cho nghề giáo mỗi phần đẹp hơn.

Bản thân tôi, là một người làm nghề dạy học và cũng là “học trò” học hỏi nhiều điều từ cô. Tôi cảm thấy sẽ thật tắc trách nếu không thay mặt những “người nhận” viết lên những dòng này để có thể tri ân và ghi nhận sự nỗ lực của cô. Cảm ơn cô thật nhiều vì sự tử tế và chân thành. Cảm ơn cô thật nhiều vì góp thêm “một tấm lòng trong xã hội”!.

Truyền thông NCT
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 5/5 trong 1017 đánh giá
Chia sẻ: